In bài này
Trong tương lai không xa, Luật Thư viện sẽ được ban hành. Đây là một bộ luật có ý nghĩa lớn, mang kỳ vọng tác động tích cực vào chiến lược phát triển văn hóa đọc. Quân đội nhân dân Cuối tuần đã có cuộc trao đổi cùng bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, thành viên Ban soạn thảo Luật Thư viện, xung quanh bộ luật này.
Phóng viên (PV):Thưa bà, vì sao hoạt động thư viện cần phải luật hóa?
Bà Nguyễn Thị Thanh Mai: Trước hết, việc cần thiết phải luật hóa hoạt động thư viện xuất phát từ vị trí, vai trò của hoạt động thư viện đối với sự phát triển của từng con người, cũng như đất nước nói chung. Và, cũng xuất phát từ thực trạng tổ chức hoạt động của các thư viện ở nước ta trong những năm vừa qua.
Ngành thư viện Việt Nam phát triển cùng sự phát triển của đất nước. Từ những năm kháng chiến, rồi đất nước hòa bình, ngành thư viện luôn đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, từ khi chuyển sang cơ chế thị trường, xóa bỏ bao cấp, hoạt động thư viện, bên cạnh những thuận lợi lớn còn có những vấn đề khó khăn. Sự thuận lợi bao gồm: Sự bùng nổ thông tin, nhu cầu tăng cao của người đọc trong bối cảnh nước ta thực hiện công nghiệp hóa-hiện đại hóa mà trọng tâm là vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… Còn khó khăn, so với yêu cầu phát triển của Việt Nam, cũng như trình độ chung của các nước trong khu vực, chúng ta còn một khoảng cách khá xa. Thực tế, dịch vụ, phương thức phục vụ, rồi cán bộ ở ngành thư viện của ta đều chậm hơn các nước trong khu vực 10-15 năm. Vì thế, vấn đề đặt ra là chúng ta phải có một văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn Pháp lệnh thư viện, để tăng cường sự đầu tư của Nhà nước đối với hoạt động thư viện và để xem thư viện là một trong những thiết chế văn hóa mà ngành Văn hóa-Thông tin không thể thiếu trong thời đại công nghệ thông tin. Luật Thư viện ra đời sẽ khẳng định tầm quan trọng của thiết chế này, qua đó tăng cường sự đầu tư của Nhà nước, của xã hội đối với hoạt động thư viện.
PV:Bà có thể dự báo, Luật Thư viện ra đời sẽ tác động như thế nào với hoạt động thư viện?
Bà Nguyễn Thị Thanh Mai: Trước hết, sẽ hình thành nên một hệ thống văn bản pháp luật trong lĩnh vực thư viện. Chúng ta đang trong giai đoạn xây dựng Nhà nước pháp quyền, sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật nên mỗi ngành đều phải có những hệ thống văn bản pháp quy, quy định những yêu cầu của Nhà nước đối với thiết chế đó. Đối với lĩnh vực thư viện cũng vậy!
Khi Luật Thư viện tạo được hành lang pháp lý sẽ tạo điều kiện trở thành căn cứ để cụ thể hóa những chính sách để các thư viện phát triển theo hướng phù hợp với phát triển chung của thế giới, hoạt động thư viện đáp ứng được nhu cầu rất phong phú, đa dạng và luôn thay đổi của người đọc trong bối cảnh xã hội đang có những phát triển rất nhanh.
PV:Qua đó tác động tích cực đối với bạn đọc, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Thanh Mai: Đúng! Việc đó nằm trong tổng thể chiến lược phát triển văn hóa đọc. Theo mục tiêu trong chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, chúng ta phải phấn đấu xây dựng một thế hệ đọc tương lai và làm sao việc đọc sách báo trở thành một phong trào trong xã hội.
PV:Có một vấn đề hay xảy ra, đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa, là dù đã có luật nhưng người ta vẫn không thực hiện, thưa bà!
Bà Nguyễn Thị Thanh Mai: Đó là một điều rất đáng tiếc! Ở một số lĩnh vực, luật cứ ban hành còn thực tế lại đi theo quy luật riêng của nó. Có nhiều lý do, trước hết là bản thân luật đó nhiều khi chất lượng, tính khả thi, những vấn đề đưa ra trong luật không phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn. Để khắc phục tình trạng đó, trong quá trình xây dựng Luật Thư viện, ban soạn thảo đã cố gắng bám sát thực tiễn, cố gắng lấy được nhiều ý kiến của các loại hình thư viện hiện có ở Việt Nam như: Thư viện công cộng-loại hình thư viện không thể thiếu, thư viện các trường đại học, thư viện các bộ, ngành, các chuyên gia trong lĩnh vực thư viện… Hy vọng là, với một loạt hội thảo và việc lấy ý kiến rộng rãi qua các phương tiện thông tin đại chúng, Ban soạn thảo của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch nhận được những ý kiến đóng góp để làm sao hoàn thiện được nội dung những quy định trong Luật Thư viện.
Thêm nữa, để Luật Thư viện đi được vào cuộc sống, phải chú ý tới việc tăng cường quảng bá, giới thiệu luật. Ngoài ra, Ban soạn thảo cũng đặt kỳ vọng, trong dự thảo luật, tăng cường vai trò của Nhà nước trong lĩnh vực thư viện. Một trong những quan điểm xây dựng luật này là phải đứng trên quan điểm nhận thức về hoạt động thư viện, xem việc đầu tư cho thư viện chính là đầu tư cho con người.
PV:Khi Luật Thư viện ra đời sẽ có những tác động đối với việc đầu tư cho hoạt động thư viện?
Bà Nguyễn Thị Thanh Mai: Khi luật ban hành, sẽ có những căn cứ pháp lý cho các địa phương dựa vào đó để tăng cường sự đầu tư trong lĩnh vực thư viện. Trong bối cảnh hiện nay, với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, hy vọng đầu tư cho thư viện sẽ khá hơn.
PV:Theo bà, việc ra đời Luật Thư viện ở thời điểm này là sớm hay muộn?
Bà Nguyễn Thị Thanh Mai: Tôi cho rằng là kịp thời, đúng thời điểm khi mình đưa ra đề án phát triển văn hóa đọc.
PV:Trong quá trình xây dựng Luật Thư viện, Ban soạn thảo có tham khảo Luật Thư viện của các nước?
Bà Nguyễn Thị Thanh Mai: Có! Hiện Ban soạn thảo đã sưu tầm được 20 bộ luật thư viện của các nước. Có những bộ luật mà chính sách của Nhà nước đối với hoạt động thư viện rất hay. Tôi có tham khảo luật của Đan Mạch, Thụy Điển, Pháp… và cũng vận dụng được một số điều của họ. Ví dụ, một trong những điều luật của Thụy Điển là mỗi hạt phải có một thư viện công cộng. Như thế, mình có thể áp dụng là hệ thống thư viện phải phủ kín theo đơn vị hành chính lãnh thổ. Hoặc trong Luật Thư viện của Thụy Điển họ nói rằng, khuyến khích người dân sử dụng thư viện công cộng. Mình ứng dụng thành: Một trong những quyền công dân là được sử dụng thư viện và các dịch vụ của thư viện. Trước đây, việc này chưa được quy định trong các văn bản. Đó là một cách để chúng ta xây dựng văn hóa đọc trong cộng đồng.
PV:Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi!
Thanh Quang thực hiện
Nguồn: Quân đội Nhân dân online