Thứ sáu, 29 Tháng 3 2024
Add one

Chương I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Luật này quy định về tổ chức và hoạt động thư viện; quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong hoạt động thư viện.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Luật này áp dụng đối với cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân và công dân Việt Nam (sau đây gọi chung là cơ quan, tổ chức, cá nhân); tổ chức quốc tế, tổ chức nước ngoài đang hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, cá nhân nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam (sau đây gọi chung là tổ chức, cá nhân nước ngoài).
Điều 3. Áp dụng Luật thư viện
1. Hoạt động thư viện và quản lý hoạt động thư viện phải tuân thủ quy định của Luật này và các quy định pháp luật khác có liên quan. Trong trường hợp các luật khác có quy định khác về hoạt động thư viện thì áp dụng quy định tại Luật này.
2. Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Luật này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.
Điều 4. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Thư viện là nơi thu thập, lưu giữ, xử lý, bảo quản tài liệu để đáp ứng nhu cầu thông tin của người đọc.
2. Thư viện công cộng là thư viện được thành lập theo cấp hành chính để phục vụ nhu cầu người đọc.
3. Thư viện chuyên ngành là thư viện do cơ quan, tổ chức thành lập để chủ yếu phục vụ nhu cầu người đọc trong ngành.
4. Thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng là thư viện do một người hoặc một nhóm người thành lập, có vốn tài liệu thư viện và cơ sở vật chất, trang thiết bị để phục vụ nhu cầu đọc của công chúng ở địa phương (sau đây gọi chung là thư viện tư nhân).
5. Tài liệu là sản phẩm chứa đựng chữ viết, âm thanh, hình ảnh bao gồm sách, báo, tạp chí, vật ghi âm, ghi hình.
6. Tài liệu điện tử/tài liệu số là tài liệu đã được số hóa để lưu giữ, sử dụng trên mạng thông tin máy tính.
7. Số hóa tài liệu là quá trình sử dụng các phương tiện kỹ thuật để chuyển tài liệu từ sách, báo, tạp chí in, vật ghi âm, ghi hình sang tài liệu điện tử/tài liệu số để lưu giữ, sử dụng bằng các phương tiện điện tử.
8. Vốn tài liệu thư viện là những tài liệu (bao gồm cả tài liệu điện tử/tài liệu số) được thu thập, tập hợp thành các bộ sưu tập có chủ đề về một hoặc nhiều nội dung nhất định, được xử lý theo quy tắc, quy trình của nghiệp vụ thư viện để phục vụ nhu cầu của người đọc.
9. Hoạt động thư viện bao gồm các hoạt động thành lập thư viện, tổ chức sử dụng vốn tài liệu thư viện và đầu tư phát triển thư viện.
10. Phát triển thư viện là quá trình làm tăng khả năng tiếp cận thư viện của công chúng và nâng cao chất lượng về cơ sở vật chất, trang thiết bị, kỹ thuật, vốn tài liệu, dịch vụ thư viện, nguồn nhân lực để nâng cao hiệu quả hoạt động thư viện đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người đọc.
11. Phát triển thư viện bền vững là duy trì liên tục quá trình phát triển thư viện  ở hiện tại và tương lai.
12. Phổ biến giá trị vốn tài liệu thư viện là việc đưa vốn tài liệu thư viện đến với công chúng thông qua các dịch vụ thư viện tại chỗ hoặc lưu động, các hoạt động truyền thông giới thiệu vốn tài liệu thư viện nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng.
13. Dịch vụ thư viện là hoạt động của thư viện đáp ứng nhu cầu thông tin của người đọc, có thu phí hoặc không thu phí.
Điều 5. Vị trí, chức năng của thư viện
1. Thư viện là một thiết chế văn hóa, thông tin, thông qua việc lưu giữ và phổ biến giá trị vốn tài liệu đến với công chúng nhằm giới thiệu tri thức thuộc các lĩnh vực của đời sống xã hội, đáp ứng nhu cầu thông tin, học tập, nghiên cứu và giải trí của mọi tầng lớp nhân dân, góp phần quan trọng trong việc nâng cao  dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, phát triển khoa học, công nghệ, kinh tế, văn hóa, phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
2. Bảo tồn và phát huy giá trị tri thức của nhân loại.
Điều 6. Chính sách của nhà nước đối với thư viện
1. Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong phát triển sự nghiệp thư viện. Khuyến khích, huy động và tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thư viện theo quy định của pháp luật.
2. Đầu tư phát triển thư viện bền vững trên cơ sở ứng dụng các thành tựu mới của khoa học, kỹ thuật, công nghệ chủ yếu là công nghệ tự động hóa, tin học hóa  dựa trên công nghệ thông tin và truyền thông; thực hiện chuẩn hóa thư viện.
Ngân sách nhà nước phải giữ vai trò chủ yếu trong tổng nguồn lực đầu tư cho thư viện.
3. Tạo điều kiện cho thư viện phát triển hợp tác quốc tế theo quy định của pháp luật.
4. Hỗ trợ vốn tài liệu cho thư viện tư nhân; đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho người làm việc trong thư viện tư nhân; bảo quản bộ sưu tập tài liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học của cá nhân, gia đình, dòng họ.
Điều 7. Những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thư viện
1. Tàng trữ và đưa lên mạng thông tin máy tính trái phép các tài liệu có nội dung:
a) Chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân;
b) Tuyên truyền bạo lực, chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước; truyền bá tư tưởng, văn hóa phẩm phản động, lối sống dâm ô, đồi trụy, các hành vi tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan; phá hoại thuần phong mỹ tục của dân tộc;
c) Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, xúc phạm vĩ nhân, anh hùng dân tộc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của công dân;
d) Tài liệu xuất bản bất hợp pháp.
2. Tiết lộ các tài liệu bí mật nhà nước, bí mật đời tư của công dân hiện đang lưu giữ trong thư viện.
3. Đánh tráo, huỷ hoại tài liệu của thư viện.
4. Lợi dụng hoạt động thư viện để truyền bá trái phép các tài liệu có nội dung quy định tại khoản 1 và 2 Điều này.
Chương II. QUYỀN VÀ TRÁCH NHIỆM  CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN TRONG HOẠT ĐỘNG THƯ VIỆN
Điều 8. Quyền thành lập thư viện
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện quy định tại Điều 15 Luật này có quyền thành lập thư viện.
Điều 9. Quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đứng tên thành lập thư viện
1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân đứng tên thành lập thư viện có quyền sau:
a) Chia tách, sáp nhập, giải thể, thay đổi tên gọi, địa chỉ, nội quy thư viện;
b) Tham gia các sinh hoạt về chuyên môn, nghiệp vụ, các tổ chức xã hội nghề nghiệp về thư viện theo quy định của pháp luật.
2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân đứng tên thành lập thư viện có trách nhiệm :
a) Thực hiện các biện pháp duy trì hoạt động ổn định và phát triển của thư viện;
b) Bảo đảm cho người làm việc trong thư viện được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ thư viện, được hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách ưu đãi về nghề nghiệp và các phụ cấp khác mà pháp luật đã quy định;
c) Khi chia, tách, sáp nhập thư viện, cơ quan, tổ chức đứng tên thành lập thư viện phải làm lại thủ tục thành lập thư viện; cá nhân thành lập thư viện phải làm lại thủ tục đăng ký hoạt động thư viện; khi giải thể hay thay đổi tên gọi, địa chỉ, nội quy thư viện, cơ quan, tổ chức, cá nhân đứng tên thành lập thư viện phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch. Đối với thư viện đã giải thể, cơ quan, tổ chức, cá nhân đứng tên thành lập thư viện phải nộp lại quyết định thành lập thư viện hoặc giấy chứng nhận đăng ký hoạt động thư viện cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao du lịch.
3. Thực hiện các quyền và trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.
Điều 10. Quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý thư viện
1. Bảo vệ, giữ gìn vốn tài liệu và các tài sản khác của thư viện.
2. Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch chuyên môn hàng năm theo đúng chức năng, nhiệm vụ của thư viện để phát huy tốt giá trị vốn tài liệu thư viện.
3. Tạo điều kiện thuận lợi cho người đọc sử dụng vốn tài liệu thư viện phù hợp với nội quy thư viện và tham gia các hoạt động do thư viện tổ chức.
4. Thực hiện chế độ thống kê, thông tin, báo cáo về tình hình hoạt động của thư viện với cơ quan, tổ chức, cá nhân đứng tên thành lập thư viện và cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch theo quy định của phap luật.
5. Thực hiện các quyền và trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.
Điều 11. Quyền sử dụng vốn tài liệu thư viện
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền sử dụng vốn tài liệu thư viện theo quy định của pháp luật.
Điều 12. Quyền và trách nhiệm của người sử dụng vốn tài liệu thư viện
1. Người sử dụng vốn tài liệu có các quyền sau:
a) Được sử dụng tài liệu tại chỗ, mượn về nhà hoặc truy cập qua mạng thông tin máy tính;
b) Được tiếp nhận thông tin về tài liệu thư viện thông qua hệ thống mục lục hoặc các hình thức thông tin, tra cứu khác;
c) Được tiếp nhận sự giúp đỡ, tư vấn về việc tìm và chọn lựa nguồn thông tin.
2. Người sử dụng vốn tài liệu có trách nhiệm sau:
a) Bảo quản vốn tài liệu và các tài sản khác của thư viện;
b) Thực hiện nội quy của thư viện;
c) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về những hành vi vi phạm trong việc sử dụng vốn tài liệu và các tài sản khác của thư viện.
Điều 13. Quyền tham gia các hoạt động do thư viện tổ chức
1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tham gia các hoạt động do thư viện tổ chức theo quy định của pháp luật.
2. Hoạt động do thư viện tổ chức bao gồm:
a) Hoạt động phát triển thư viện;
b) Hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ thư viện;
c) Hoạt động phổ biến giá trị vốn tài liệu thư viện.
Chương III. TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG THƯ VIỆN
Điều 14. Các loại thư viện
Thư viện bao gồm:
1. Thư viện công cộng.
Thư viện công cộng bao gồm:
a) Thư viện Quốc gia;
b) Thư viện cấp tỉnh;
c) Thư viện cấp huyện;
d) Thư viện cấp xã;
e) Thư viện tư nhân.
2. Thư viện cơ sở giáo dục.
Thư viện cơ sở giáo dục bao gồm:
a) Thư viện cơ sở giáo dục đại học;
b) Thư viện cơ sở giáo dục nghề nghiệp;
c) Thư viện cơ sở giáo dục phổ thông;
d) Thư viện cơ sở giáo dục thường xuyên;
đ) Thư viện cơ sở giáo dục khác.
3. Thư viện chuyên ngành.
Thư viện chuyên ngành bao gồm:
a) Thư viện thuộc cơ quan, tổ chức ở trung ương.
b) Thư viện thuộc các đơn vị trực thuộc cơ quan, tổ chức ở trung ương.
4. Thư viện của tổ chức, cá nhân nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam có phục vụ người đọc Việt Nam.
5. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về tổ chức và hoạt động thư viện.
Điều 15. Điều kiện thành lập thư viện
1. Thư viện được thành lập khi có các điều kiện sau:
a) Có bộ sưu tập tài liệu có chủ đề về một hoặc nhiều nội dung nhất định;
b) Có địa điểm, diện tích, trang thiết bị phục vụ người đọc, chỗ và các phương tiện lưu giữ, bảo quản vốn tài liệu;
c) Có người am hiểu chuyên môn phù hợp với yêu cầu của hoạt động thư viện;
d) Có nguồn lực tài chính duy trì hoạt động của thư viện.
2. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định cụ thể những điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này.
Điều 16. Thẩm quyền quyết định thành lập thư viện
1. Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập thư viện quy định tại điểm a khoản 1 và điểm a khoản 3 Điều 14 Luật này theo đề nghị của người đứng đầu cơ quan, tổ chức ở trung ương.
2. Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan, tổ chức ở trung ương quyết định thành lập thư viện quy định tại điểm a, b khoản 2 và điểm b khoản 3 Điều 14 Luật này theo đề nghị của người đứng đầu đơn vị, cơ sở giáo dục đại học trực thuộc.
3. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã quyết định thành lập đối với các thư viện sau:
a) Thư viện quy định tại điểm b, c và d khoản 1 Điều 14 Luật này theo đề nghị của cơ quan có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch ở địa phương.
b) Thư viện cơ sở giáo dục quy định tại điểm c, d và đ khoản 2 Điều 15 Luật này theo đề nghị của người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo ở địa phương.
Điều 17. Thủ tục thành lập thư viện
1. Thủ tục thành lập thư viện được quy định như sau:
a) Cơ quan, tổ chức có yêu cầu thành lập thư viện phải gửi hồ sơ đến người có thẩm quyền quy định tại Điều 16 Luật này;
b) Hồ sơ bao gồm văn bản đề nghị thành lập thư viện của cơ quan, tổ chức, đứng tên thành lập thư viện kèm theo văn bản xác nhận đủ điều kiện thành lập thư viện của cơ quan có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch;
c) Chính phủ quy định thẩm quyền xác nhận đủ điều kiện thành lập thư viện của cơ quan văn hóa, thể thao và du lịch các cấp.
2. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ, người có thẩm quyền quyết định thành lập thư viện có trách nhiệm xem xét, quyết định; trường hợp từ chối phải nêu rõ lý do bằng văn bản.
3. Cơ quan của người có thẩm quyền quy định tại Điều 16 Luật này có trách nhiệm gửi quyết định thành lập thư viện tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch theo quy định của pháp luật.
Điều 18. Đăng ký hoạt động thư viện
Thư viện tư nhân, thư viện của tổ chức, cá nhân nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam có phục vụ người đọc Việt Nam thực hiện đăng ký hoạt động với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch theo quy định của Chinh phủ.
Điều 19. Nhiệm vụ của thư viện
1. Thu thập, xử lý, bảo quản, kiểm kê và thanh lọc vốn tài liệu thư viện.
2. Tổ chức các dịch vụ tạo điều kiện cho người đọc tiếp cận, sử dụng vốn tài liệu thư viện tại chỗ hoặc qua mạng thông tin máy tính.
3. Tổ chức phổ biến giá trị vốn tài liệu thư viện phục vụ xã hội.
4. Nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới vào hoạt động chuyên môn, quản lý thư viện.
5. Xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực thư viện.
6. Quản lý cơ sở vật chất và trang thiết bị kỹ thuật thư viện.
7. Thực hiện hợp tác quốc tế theo quy định của pháp luật.
8. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.
Điều 20. Quyền của thư viện
1. Được trao đổi tài liệu với các thư viện trong nước; sử dụng chung vốn tài liệu giữa các thư viện thông qua mạng thông tin máy tính; trao đổi tài liệu với thư viện nước ngoài theo quy định của Chính phủ.
2. Được huy động và sử dụng các nguồn lực hợp pháp để hỗ trợ hoạt động thư viện.
3. Được tổ chức các hoạt động, dịch vụ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của thư viện theo quy định của pháp luật.
4. Được thu phí một số các dịch vụ thư viện theo quy định của pháp luật.
5. Khước từ yêu cầu sử dụng vốn tài liệu của thư viện nếu yêu cầu đó trái với nội quy của thư viện và các quy định pháp luật có liên quan khác.
6. Được tham gia các tổ chức nghề nghiệp về thư viện ở trong nước và quốc tế theo quy định của pháp luật.
Điều 21. Hoạt động thư viện trên mạng thông tin máy tính
1. Những tài liệu có trong thư viện không thuộc khoản 1 Điều 7 Luật này và dịch vụ thư viện được đưa lên mạng thông tin máy tính.
2. Việc khai thác, sử dụng vốn tài liệu thư viện trên mạng thông tin máy tính thực hiện theo quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ.
Điều 22. Chức năng, nhiệm vụ và quyền của Thư viện Quốc gia Việt Nam
1. Thư viện Quốc gia Việt Nam là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; có chức năng thu thập, lưu giữ, bảo tồn và tổ chức khai thác, sử dụng, phát huy giá trị các xuất bản phẩm Việt Nam và các tài liệu được xuất bản ở trong nước và nước ngoài để phục vụ nhu cầu người đọc.
2. Thư viện Quốc gia Việt Nam thực hiện nhiệm vụ và quyền quy định tại Điều 19 và 20 Luật này và những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Nhận xuất bản phẩm đã được phát hành của các nhà xuất bản, cơ quan, tổ chức ở Việt Nam theo quy định của pháp luật;
b) Xây dựng cơ sở dữ liệu thư mục quốc gia, biên soạn, xuất bản và phát hành Thư mục quốc gia và Tổng Thư mục Việt Nam;
c) Xây dựng vốn tài liệu về Việt Nam;
d) Thu nhận và lưu giữ luận án tiến sĩ của cá nhân Việt Nam và của cá nhân nước ngoài bảo vệ luận án tiến sĩ tại Việt Nam;
đ) Bảo đảm việc tiếp cận và sử dụng vốn tài liệu có trong thư viện đối với các đối tượng theo quy định của pháp luật.
3. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về tổ chức và hoạt động của Thư viện Quốc gia Việt Nam.
Điều 23. Chức năng, nhiệm vụ và quyền của thư viện cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã
1. Thư viện cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã là đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng bảo đảm việc tiếp cận thông tin, tri thức bằng mọi hình thức, tạo môi trường học tập suốt đời cho người dân ở địa phương.
2. Thư viện cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã thực hiện nhiệm vụ và quyền quy định tại Điều 19 và 20 Luật này và những nhiệm vụ, quyền sau đây:
a) Thu thập, lưu giữ, bảo quản các xuất bản phẩm địa phương; xây dựng và tổ chức khai thác, sử dụng vốn  tài liệu về địa phương và tài liệu được xuất bản ở trong nước và nước ngoài phù hợp với nhu cầu người đọc và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương;
b) Tham gia phát triển mạng lưới thư viện và phong trào đọc sách báo ở địa phương.
Điều 24. Chức năng, nhiệm vụ và quyền của thư viện cơ sở giáo dục
1. Thư viện cơ sở giáo dục có chức năng phổ biến và hướng dẫn người dạy và người học sử dụng vốn tài liệu thư viện và các kỹ năng tra cứu, tìm thông tin có trong hoặc ngoài thư viện để nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập trong cơ sở giáo dục.
2. Thư viện cơ sở giáo dục thực hiện nhiệm vụ và quyền quy định tại Điều 19 và 20 Luật này và nhiệm vụ, quyền sau:
a) Xây dựng vốn tài liệu phù hợp với nội dung giảng dạy và học tập trong cơ sở giáo dục;
b) Tổ chức chia sẻ và sử dụng chung vốn tài liệu giữa các thư viện trong từng loại cơ sở giáo dục thông qua mạng thông tin máy tính.
Điều 25. Chức năng, nhiệm vụ và quyền của thư viện chuyên ngành
1. Thư viện chuyên ngành có chức năng thu thập, phổ biến và hướng dẫn sử dụng vốn tài liệu thư viện để hỗ trợ việc thực hiện mục tiêu và nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức thành lập.
2. Thư viện chuyên ngành thực hiện nhiệm vụ và quyền quy định tại Điều 18 và 16 Luật này và thực hiện nhiệm vụ và quyền sau:
a) Xây dựng vốn tài liệu chuyên sâu về một ngành hay nhiều ngành khoa học có liên quan;
b) Tổ chức chia sẻ và sử dụng chung vốn tài liệu chuyên ngành hay nhiều ngành khoa học có liên quan với thư viện khác thông qua mạng thông tin máy tính.
Điều 26. Tiêu chuẩn, quyền và trách nhiệm của người làm công tác thư viện
1. Người làm công tác thư viện phải được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ thư viện và kỹ năng sử dụng các trang thiết bị, phương tiện, kỹ thuật hiện đại ứng dụng trong hoạt động thư viện.
2. Người làm công tác thư viện có quyền sau:
a) Được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi về nghề nghiệp và các phụ cấp khác theo quy định của pháp luật;
b) Được tham gia các tổ chức nghề nghiệp về thư viện ở trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật.
3. Người làm công tác thư viện có trách nhiệm sau:
a) Thực hiện các quy định của pháp luật về thư viện, các quy định về chuyên môn, nghiệp vụ thư viện và quy chế của thư viện;
b) Không ngừng học tập để nâng cao phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, năng lực chuyên môn;
Điều 27. Xếp hạng thư viện
1. Việc xếp hạng thư viện căn cứ vào các tiêu chuẩn sau đây:
a) Số lượng, loại hình và giá trị vốn tài liệu thư viện;
b) Cơ sở vật chất và trang thiết bị, kỹ thuật;
c) Mức độ chuẩn hóa đội ngũ cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ.
d) Mức độ đáp ứng nhu cầu thông tin đối với người đọc.
2. Căn cứ vào mức độ đạt được các tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều này, Chính phủ quy định cụ thể về việc xếp hạng thư viện.
Ch­ương IV. ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN THƯ VIỆN
Điều 28. Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất
Nhà nước thực hiện chính sách đầu tư xây dựng cơ sở vật cho thư viện như sau:
1. Xây dựng, nâng cấp trụ sở theo hướng chuẩn hóa, phù hợp với yêu cầu của hoạt động thư viện.
2. Hiện đại hóa trang thiết bị, phương tiện, kỹ thuật.
3. Cấp thiết bị, phương tiện vận chuyển cho các thư viện cấp tỉnh để luân chuyển vốn tài liệu thư viện phục vụ lưu động ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, nông thôn, phục vụ lực lượng vũ trang nhân dân.
4. Dành quỹ đất xây dựng thư viện công cộng trong quy hoạch của địa phương.
Điều 29. Đầu tư kinh phí
Nhà nước đầu tư kinh phí cho các hoạt động sau:
1. Hoạt động thường xuyên.
2. Phát triển, phổ biến, bảo quản và chuyển dạng vốn tài liệu.
3. Hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, truyền thông và dịch vụ.
4. Nghiên cứu, ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ.
5. Phục vụ lưu động ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng nông thôn, phục vụ lực lượng vũ trang nhân dân.
6. Miễn, giảm thuế nhập khẩu tài liệu, trang thiết bị, máy móc chuyên dùng theo quy định của pháp luật; hỗ trợ cước phí vận chuyển xuất bản phẩm trao đổi với nước ngoài.
Điều 30. Đầu tư phát triển nguồn nhân lực
Nhà nước có chính sách đầu tư nguồn nhân lực thư viện như sau:
1. Nhà nước có chính sách bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho những người làm công tác thư viện để nâng cao trình độ và chuẩn hóa người làm công tác thư viện.
2. Bảo đảm cơ cấu nguồn nhân lực hợp lý về trình độ đào tạo, lĩnh vực đào tạo.
3. Người làm công tác thư viện ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc phục vụ lưu động ở những vùng này được hưởng chế độ phụ cấp và chính sách ưu đãi theo quy định của Chính phủ.
Điều 31. Khuyến khích xã hội hóa
1. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đầu tư, đóng góp công sức, tiền của cho thư viện.
2. Các khoản đầu tư, đóng góp, tài trợ của doanh nghiệp cho thư viện được trừ khi tính thu nhập chịu thuế theo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.
3. Các khoản đóng góp, tài trợ của cá nhân cho thư viện được xem xét để miễn, giảm thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao theo quy định của Chính phủ.
4. Cơ quan, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng công trình phục vụ cho thư viện; đóng góp, tài trợ, ủng hộ tiền hoặc hiện vật để phát trieren sự nghiệp thư viện được xem xét ghi nhận bằng hình thức thích hợp theo quy định của pháp luật.
Điều 32. Nguồn lực đầu tư
Nguồn tài chính để đầu tư phát triển thư viện bao gồm:
1. Ngân sách của tổ chức, cá nhân thành lập thư viện;
2. Các khoản thu từ phí dịch vụ thư viện;
3. Tài trợ và đóng góp của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài;
4. Các nguồn tài chính hợp pháp khác.
Chương V. QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ THƯ VIỆN
Điều 33. Nội dung quản lý nhà nước về thư viện
1. Ban hành và chỉ đạo thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển sự nghiệp thư viện.
2. Ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về thư viện.
3. Chỉ đạo các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thư viện.
4. Ban hành các tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ, cơ sở vật chất, trang thiết bị thư viện, người làm công tác thư viện; quy định về tổ chức và hoạt động của thư viện.
5. Thực hiện công tác thống kê, thông tin về tổ chức và hoạt động thư viện.
6. Tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về thư viện.
7. Tổ chức, quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực.
8. Tổ chức và quản lý hợp tác quốc tế
9. Cấp và thu hồi giấy đăng ký hoạt động thư viện.
10. Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật; giải quyết, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật.
Điều 34. Cơ quan quản lý nhà nước về thư viện
1. Chính phủ thống nhất quản lý về thư viện.
2. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về thư viện trong toàn quốc
3. Các bộ, cơ quan ngang bộ. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước theo thẩm quyền; đồng thời phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về thư viện.
4. Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình thực hiện việc quản lý nhà nước về thư viện ở địa phương theo sự phân cấp của Chính phủ.
Điều 35. Hội đồng khoa học về thư viện
1. Hội đồng khoa học về thư viện là hội đồng tư vấn của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về thư viện.
2. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định tổ chức và hoạt động của Hội đồng khoa học về thư viện.
Chương VI. Điều khoản thi hành
Điều 36: Hiệu lực thi hành
Luật này có hiệu lực từ ngày         tháng        năm 2012. Những quy định trước đây trái với Luật này đều bãi bỏ.
Điều 37. Quy định chi tiết và h­ướng dẫn thi hành
Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các điều khoản được giao trong Luật này và hướng dẫn những nội dung cần thiết khác của Luật.

Hoạt động

Ngày 03/12/2010 Hiệu trưởng đã ban hành Quyết định số 1539/QĐ-ĐHL thay đổi tên gọi Thư viện thành Trung tâm Thông tin – Thư viện trực thuộc trường Đại học Luật TP.HCM.

LIÊN HỆ

Email: library@hcmulaw.edu.vn

Cơ sở 1: 02 Nguyễn Tất Thành, Phường 13, Quận 4, TP.HCM
Điện thoại:(84).028.39400 989  Ext (161)
Cơ sở 2: 123 Quốc lộ 13, Phường Hiệp Bình Chánh, Thành phố Thủ Đức, TP.HCM
Điện thoại:(84). 028.62838141  Ext (361)  

Chịu trách nhiệm nội dung:
Trung tâm Thông tin - Thư viện Trường ĐH Luật TP.HCM

Search